Tại tọa đàm "Cung ứng điện cho năm 2024 - những vấn đề cấp bách đặt ra" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 7.11,ựánđiệnlớnkhôngdễtriểnkhaikiểuđốtcháygiaiđoạnộm gà PGS-TS Bùi Xuân Hồi, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc cho rằng, 5 năm tới nguồn nhiệt điện vẫn vô cùng quan trọng.
Hiện Quy hoạch điện 8 không có phần điện nguyên tử. Trong khi đó, để đầu tư điện, ngoại trừ điện mặt trời, còn những nguồn khác không thể đốt cháy giai đoạn để đẩy nhanh được. "Không thể nói hôm nay làm một nhà máy nhiệt điện khí Lô B - Ô Môn thì năm 2024 chúng ta đã sẵn sàng đưa nguồn ấy vào được", ông Hồi nói.
Với dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) tới Phố Nối (Hưng Yên), dù nằm trong lộ trình tương đối rõ ràng của ngành điện, nhưng để hoàn thành theo tiến độ thì cần có sự vào cuộc, quyết tâm của nhiều bên. Thậm chí có những điều, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải có những quyết sách như làm đường dây 500 kV Bắc - Nam mạch 1 trước đây.
"Để làm công trình đó, ngày đó Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ đạo, chúng ta thậm chí còn vừa làm, vừa thiết kế, vừa phê duyệt dự toán… Liệu bây giờ chúng ta có thể làm được như thế không?", PGS-TS. Bùi Xuân Hồi nêu.
Đặc biệt, theo ông dù xong 2 công trình lớn như thế, nhưng không có nghĩa việc cung ứng điện sẽ đảm bảo, nhất là trong thời gian ngắn hạn năm 2024. Đây là lý do cần nghĩ đến các giải pháp khác nữa cho miền Bắc và cho cả nước.
Chuyên gia này cũng cho rằng, nguồn nhanh nhất có thể đưa vào là điện tái tạo. Cần có cơ chế để huy động ngay nguồn này vì đã hoạch định rồi nhưng vấn đề là thực thi.
"Nếu nước về đúng hạn sẽ không có chuyện thiếu điện, cắt điện. Nếu như không có sự cố một số nhà máy nhiệt điện thì cũng không thiếu điện như vậy. Đây là bài học lớn cho ngành điện nói chung, cho EVN nói riêng", ông Hồi nói.
Trong năm 2024, mệnh lệnh của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là phải đảm bảo an ninh cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vì thế, phải tìm mọi cách để kịch bản thiếu điện không xảy ra. Cụ thể, ngoài nỗ lực đưa nhanh các nhà máy, đường dây truyền tải vào thì cũng nghĩ đến các phương án nhập khẩu và chuẩn bị kỹ lưỡng điều kiện kỹ thuật để nhập khẩu điện.
"Từ đó mới lên được bài toán tổng thể là đưa nguồn lưới điện vào được bao nhiêu, những cơ chế chính sách phát triển năng lượng tái tạo ở miền Bắc được bao nhiêu và bài toán nhập khẩu như thế nào, để đảm bảo cung ứng điện cho năm 2024", PGS-TS Hồi nói và nhấn mạnh, những dự án rất lớn không dễ triển khai kiểu đốt cháy giai đoạn.
Theo TS Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc thiếu điện cuối tháng 5 và đầu tháng 6 cho thấy những người làm công tác dự báo "không lường hết được". Lý do ở miền Bắc giữa tháng 5 bao giờ cũng có lũ tiểu mãn, giải quyết vấn đề mọi năm đặt ra là thiếu nước cho phát điện nhưng năm nay thì không có.
Vấn đề thứ hai là không lường được giá nhiên liệu của thế giới trong 6 tháng đầu năm nay diễn biến phức tạp đến như thế. Đây là 2 yếu tố khách quan ảnh hưởng đến điện, khiến khi xây dựng phương án điều độ điện của năm 2023, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) đồng ý cho các nhà máy nhiệt điện, trong đó có nhà máy nhiệt điện than và nhà máy nhiệt điện chạy khí và dầu vào chu kỳ bảo dưỡng.
"Dù có gần 80 GB điện, nhưng đây là công suất lắp đặt chứ chưa phải là công suất hoạt động. Việc thiếu nguồn điện nền nên mới dẫn đến kịch bản thiếu điện", TS Kiên nêu.
Theo ông Kiên, trong 3 năm qua, Chính phủ đã cố gắng lớn trong việc điều hành giá điện coi như một công cụ để ổn định kinh tế vĩ mô. Lần đầu tiên EVN báo cáo với Chính phủ và Chính phủ báo cáo với Quốc hội đã hụt thu 23.000 tỉ đồng trong năm 2022. Ông kiến nghị phải tính đúng, tính đủ cho EVN, trừ đi cho người dân nhưng vẫn phải cộng vào doanh số của EVN. Vấn đề hạch toán, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan làm cho tốt, hoàn thiện lại.